Đề thi olympic môn: Ngữ văn 7 thời gian (120 phút)

doc 4 trang Người đăng phongnguyet00 Lượt xem 1057Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi olympic môn: Ngữ văn 7 thời gian (120 phút)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi olympic môn: Ngữ văn 7 thời gian (120 phút)
ĐỀ THI OLYMPIC
MÔN: NGỮ VĂN 7
Thời gian (120 phút)
Câu 1 ( 4 điểm)
 Trong bài thơ " Quê hương" của Đỗ Trung Quân có đoạn:
" Quê hương là cánh diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông"
Hãy nêu cảm nhận của em về đoạn thơ trên.
Câu 2 ( 6 điểm)
Văn bản " Bức thư của thủ lĩnh da đỏ" khép lại là lời của thủ lĩnh Xi at tơn nói với Tổng thống thứ 14 của nước Mĩ Phreng klin Pi ơ xơ:
 " Đất là Mẹ. Điều gì xảy ra với đất đai tức là xảy ra đối với những đứa con của Đất. Con người chưa biết làm tổ để sống, con người chỉ giản đơn là một sợi tơ trong cái tổ sống đó mà thôi. Điều gì con người làm cho tổ sống đó, tức là làm cho chính mình".
 Suy nghĩ của em về lời nói trên.
Câu 3 ( 10 điểm)
 Cảm nghĩ của em về hình ảnh Bác Hồ qua hai bài thơ " Cảnh khuya" và " Rằm tháng giêng"
HƯỚNG DẪN CHẤM
Câu 1 ( 4 điểm)
Yêu cầu:
 Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, có thể có những phát hiện và cảm thụ riêng nhưng cần nêu được một số ý cơ bản sau:
 Đoạn thơ cho ta thấy tác giả đã bộc lộ những suy nghĩ về quê hương thông qua những hình ảnh rất cụ thể. Quê hương yêu dấu gắn liền với những hoài niệm tuổi thơ. " Cánh diều biếc" thả trên cánh đồng từng mang dấu ấn của tuổi thơ đẹp. Đó là cánh diều thả sau mùa gặt. Chữ " biếc" gợi tả cánh diều tuyệt đẹp.
 Âm thanh của " con đò nhỏ" khua nước trên dòng sông quê hương êm đềm mà lắng đọng. Âm thanh mộc mạc, giản dị nhưng rất đỗi thân thiết không thể nào quên. Tiếng mái chèo khua nước ấy là kỷ niệm của tuổi thơ với quê hương yêu dấu.
 Có thể nói những kỷ niệm đơn sơ, giản dị của quê hương luôn có sự gắn bó bằng tình cảm của con người gần như là máu thịt. Nghĩ về quê hương như vậy, ta thấy tình cảm của nhà thơ đối với quê hương thật đẹp đẽ và sâu sắc.
 Nghệ thuật so sánh tạo nên hình ảnh đẹp đầy sáng tạo, đặc sắc và độc đáo đã gợi tả một không gian nghệ thuật có chiều cao, sắc biếc của bầu trời, có chiều rộng của cánh đồng quê, có chiều dài của năm tháng, có âm thanh thân thuộc của mái chèo trên dòng sông quê. Nhà thơ đã nói lên một cách đằm thắm, thiết tha một tình yêu quê hương.
Cách cho điểm:
 - Cho 3; 4 điểm: đáp ứng được những yêu cầu trên, văn viết có cảm xúc, diễn đạt trong sáng.
- Cho 1,5; 2 điểm: đáp ứng được 1/2 yêu cầu trên hoặc hiểu ý mà diễn đạt chưa thật lưu loát.
- Cho 0; 1 điểm không làm bài hoặc chỉ làm được một ý.
Câu 2 (6 điểm)
Yêu cầu
 Học sinh bày tỏ suy nghĩ về lời nói của thủ lĩnh người da đỏ với vị Tổng thống thứ 14 của nước Mĩ, khi nước Mĩ muốn mua đất của người da đỏ. Học sinh có thể tự do chọn kiểu văn bản tự do trình bày suy nghĩ của mình, tích hợp vốn hiểu biết từ văn học, từ cuộc sống... sao cho phù hợp.
 Cơ bản nêu được các ý sau:
+ Đất là bà mẹ thiên nhiên hiền từ, bao dung che chở, cung cấp cho con người những thứ cần thiết trong cuộc sống. Đất yêu thương đùm bọc mọi đứa con của mình.
+ Người và đất có mối quan hệ gắn kết (Mẹ con), không thể tách rời, đó là quan hệ cộng sinh giữa con người với môi trường.
+ Lời cảnh báo: điều gì xảy ra với đất tức là xảy ra với con người. Thực tế tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, lũ lụt, hạn hán...
+ Ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên: bảo vệ đất là bảo vệ chính mình. Con người muốn tồn tại phải dựa vào thiên nhiên...
Cách cho điểm
 - Mỗi ý cơ bản: 1 điểm.
 - Cách trình bày: 1 điểm.
Diễn đạt lưu loát, mạch lạc: 1 điểm.
Câu 3 ( 10 điểm)
Về kĩ năng:
 - Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau trên cơ sở hiểu rõ yêu cầu của đề, cần nói được cảm nghĩ của mình về hình ảnh Bác Hồ qua hai bài thơ, xúc động vì biết thêm những tình cảm cao đẹp trong tâm hồn Bác: Yêu thiên nhiên, nặng lòng vì nước vì dân, ung dung, lạc quan cách mạng. Cụ thể cần trình bày được một số ý cơ bản sau:
 - Cảm động và tự hào trước vẻ đẹp của tâm hồn Bác, một tâm hồn yêu thiên nhiên, nhạy cảm và rung động trước cảnh đẹp thiên nhiên nơi chiến khu Việt Bắc. Cảnh rừng Việt Bắc qua cảm nhận của Người đẹp lung linh huyền ảo như chốn động tiên với tiếng suối, tiếng hát, bóng cây, bóng hoa, bóng trăng lồng vào nhau. Một tâm hồn thơ rất giầu, rất khỏe tràn đầy sức xuân hòa nhập vào ánh trăng, viên mãn chất đầy trong khoang thuyền.
 - Xúc động, biết ơn trước tấm lòng yêu nước của Bác. Người đã thao thức không ngủ được vì " lo nỗi nước nhà", lòng yêu nước của Bác gắn liền với nỗi lo cho dân, cho vận mệnh của đất nước. Thấm thía tình yêu thương của Bác dành cho dân, cho nước. Tấm lòng yêu nước, thương dân của Bác thấm nhuần trong mỗi dòng thơ, nét chữ.
 - Khâm phục tinh thần lạc quan cách mạng, phong thái ung dung, vẻ đẹp ung dung tự tại của người chiến sĩ cách mạng, nhà chiến lược vĩ đại của dân tộc giữa một không gian bát ngát đầy trăng. Với vị chỉ huy tối cao của cuộc kháng chiến trong một thời điểm đầy thử thách, phong thái ung dung ấy thể hiện bản lĩnh lớn của con người làm chủ trước mọi hoàn cảnh. Bản lĩnh đó thể hiện chất thép trong con người Bác.
 - Hai bài thơ của Bác khiến em vô cùng xúc động trước lòng yêu thiên nhiên, yêu nước của Bác. Khâm phục, kính trọng Bác và càng tự hào, biết ơn Bác, thế hệ trẻ luôn nguyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.
Thang điểm:
 - Điểm 8; 9; 10: Đáp ứng được những yêu cầu trên, văn viết có cảm xúc, diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp thông thường.
 - Điểm 5; 6; 7: Đáp ứng được những yêu cầu trên, văn viết có cảm xúc, diễn đạt tốt, có thể còn mắc một vài sai sót nhỏ. 
 - Điểm 3; 4: Cơ bản đáp ứng được những yêu cầu trên, diễn đạt tương đối tốt, còn mắc vài sai sót nhỏ.
 - Điểm 0; 1; 2: Sơ sài về nội dung, cẩu thả về hình thức hoặc không hiểu đề, sai lạc cả về nội dung và phương pháp.
 (Trên đây là một vài gợi ý về thang mức điểm, giám khảo cần cân nhắc từng trường hợp cụ thể để cho điểm phù hợp. Cần chú ý kỹ năng diễn đạt và sáng tạo của học sinh).

Tài liệu đính kèm:

  • docDe_thi_hoc_sinh_gioi_van_7.doc