Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện năm học 2015 - 2016 môn thi: Ngữ văn Thời gian: 150 phút (không kể phát đề)

doc 4 trang Người đăng phongnguyet00 Lượt xem 5106Lượt tải 2 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện năm học 2015 - 2016 môn thi: Ngữ văn Thời gian: 150 phút (không kể phát đề)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện năm học 2015 - 2016 môn thi: Ngữ văn Thời gian: 150 phút (không kể phát đề)
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO 
CHÂU THÀNH
 ĐỀ CHÍNH THỨC 
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 CẤP HUYỆN
NĂM HỌC 2015- 2016
MÔN THI: NGỮ VĂN
NGÀY THI: 24/3/2016
THỜI GIAN: 150 PHÚT (Không kể phát đề)
PHÂN I: (8 điểm) Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Sao đã cũ
Trăng thì già
Nhưng tất cả đều trẻ lại
Để con bắt đầu gọi ba!
Con bắt đầu biết yêu thương
Như ba bắt đầu gian khổ
Đêm sinh con hoa quỳnh nở
Một bông hoa trắng xóa hương bay
Hôm nay con bắt đầu gọi ba
Người con nhận diện, yêu thương đầu tiên sau mẹ
Tiếng gọi thiêng liêng trào nước mắt
Đây bàn tay ba rắn chắc
Cho ba ẳm, ba thơm 
Thịt xương, hòn máu của ba đây có mùi của mẹ
Ba nhìn sao cũ
Ba nhìn trăng già 	
Bầu trời thêm một ngôi sao mới
Ngôi sao biết gọi: ba! ba!
 (Đặng Việt Ca, Văn nghệ trẻ, số 42, 2003)
1/ Cho biết cảm xúc nào của người cha được bật ra từ bài thơ? Vì sao người cha có cảm xúc đó?
 Hãy đặt nhan đề cho bài thơ. (1,5 điểm)
2/ Bài thơ kết thúc bằng các hình ảnh đẹp. Đó là những hình ảnh nào? Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ gì ở đây? Nêu ý nghĩa của các hình ảnh đó. (1,5 điểm)
3/ Nội dung bài thơ gợi lên một thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng và cao quý. Đó là tình cảm gì? Tình cảm nầy gợi em nhớ tới các tác phẩm, của tác giả nào đã học ở chương trình Ngữ văn lớp 8 và 9? (1 điểm)
4/ Viết một bài văn ngắn (khoảng 1 mặt giấy làm bài) bộc lộ cảm nhận của em về thứ tình cảm thiêng liêng ấy trong các tác phẩm em vừa nhớ (trong đó có sử dụng khởi ngữ và 2 phép liên kết câu rồi chỉ rõ chúng). (4 điểm)
PHẦN II: ( 12 điểm)
Đề: Khát vọng sống cống hiến cho đời trong hai tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long và Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải ./. 
 HẾT
PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO 
CHÂU THÀNH
 ĐỀ CHÍNH THỨC 
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI HSG LỚP 9 CẤP HUYỆN 
NĂM HỌC 2015-2016
MÔN: NGỮ VĂN
NGÀY THI: 24/3/2016
PHẦN I: (8 điểm)	
1/ HS nêu được:
- Cảm xúc của người cha bật ra từ bài thơ: vui sướng, tự hào về con(0,5điểm) vì hạnh phúc được làm cha. (0,5 điểm)
 - HS có thể đặt nhan đề: Niềm vui làm cha, Hạnh phúc làm cha, Ngôi sao của cha,  (miễn sao nhan đề toát lên được ý nghĩa của bài thơ). (0,5 điểm)
2/ - HS chỉ được các hình ảnh đẹp ở cuối bài: sao cũ, trăng già, ngôi sao mới. (0,5 điểm)
 - Xác định đúng biện pháp tu từ từ vựng mà tác giả sử dụng: ẩn dụ. (0,5 điểm)
 - Nêu được ý nghĩa của hình ảnh: + Sao cũ, trăng già: những người đã lớn trong gia đình. 
 (0,25 điểm)
 + Ngôi sao mới: đứa con còn nhỏ. (0,25 điểm)
3/Bài thơ gợi lên một thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng và cao quý, đó là tình phụ tử. (0,5 điểm)
 - Tình cảm nầy gợi nhớ đến các tác phẩm: Lão Hạc của Nam Cao (lớp 8); Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng ( lớp 9); Nói với con của Y Phương (lớp 9). (0,5 điểm)
4/ HS viết bài văn bộc lộ suy nghĩ của mình về tình phụ tử trong 3 tác phẩm vừa nhớ.
 a/ Về kĩ năng: viết văn mạch lạc, dùng từ chuẩn xác; bài văn có đủ 3 phần, có sử dụng khởi ngữ và 2 phép liên kết câu đồng thời chỉ rõ chúng.
 b/ Về kiến thức: đảm bảo đạt các ý sau:
 * Giới thiệu: Tình phụ tử trong đời sống tình cảm cuả mỗi con người.
 * Lần lượt nêu suy nghĩ về tình phụ tử trong các tác phẩm:
 - Lão Hạc của Nam Cao: Truyện là bài ca về tình cha yêu con vô bờ bến, lão Hạc sẵn sàng nhận lấy cái chết để cấy mầm sống cho con
- Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng: Tình cha con cao đẹp và cảm động trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh
- Nói với con của Y Phương: Tình cha con thâm trầm, sâu sắc, yêu con, muốn con nên người nên người cha miền núi đã chỉ dạy, dặn dò con phải biết yêu quê hương nhất là phải có niềm tin, vững bước trên đường đời bằng chính đôi chân của mình
 * Gút ý: - Nêu ý nghĩa, tầm quan trọng của tình phụ tử trong cuộc sống của con người.
 - Liên hệ: nêu suy nghĩ và hành động của cá nhân về bổn phận của người con đối với cha mẹ.
 * CÁCH CHẤM: 
 - Hoàn thành tốt các yêu cầu trên (4 điểm); thiếu khởi ngữ trừ (1,0 điểm); thiếu một phép liên kết câu trừ (0,5) điểm.
 - Đạt phần lớn các yêu cầu trên nhưng lí lẽ, dẫn chứng chưa thật đủ để làm sáng tỏ ý khái quát, còn mắc một số lỗi diễn đạt. ( 3 điểm)
 - Chỉ nêu được các ý, diễn đạt chung chung, còn mắc số lỗi thông thường.(2 điểm)
 - Bài văn viết sơ sài, sai lạc về nội dung khái quát, mắc nhiều lỗi diễn đạt. (1 điểm)
PHẦN II: (12 điểm)
1/ Yêu cầu về kĩ năng:
- HS biết cách làm bài Nghị luận văn học về một vấn đề chung của hai tác phẩm. 
- Bố cục 3 phần và hệ thống ý sáng, rõ.
- Lập luận chặt chẽ, luận điểm rõ ràng, luận cứ xác thực.	
- Không mắc những lỗi thông thường về diễn đạt, chính tả, dùng từ.
2/ Yêu cầu về kiến thức:
 * Trên cơ sở nắm chắc hai tác phẩm, có thể lập ý rồi phân tích đan xen hai tác phẩm hoặc tách riêng theo trình tự từng tác phẩm rồi khái quát, đánh giá chung.
 Cần đảm bảo các ý sau:
* Phần mở bài: (1 điểm)
- Giới thiệu vấn đề nghị luận.
- Dẫn dắt vấn đề nghị luận: Nêu lí tưởng sống cao đẹp: sống cống hiến cho đời trong hai tác phẩm văn học: 
 + Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long)
 + Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải)
 * Phần thân bài: (10 điểm)
 Lần lượt làm rõ khát vọng sống cống hiến trong từng tác phẩm.
1/ Lặng lẽ Sa Pa ( Nguyễn Thành Long): (4 điểm)
 * Khát vọng sống cống hiến thể hiện qua cuộc sống, suy nghĩ, hành động, việc làm của anh thanh niên ( nhân vật chính của truyện).
 - Anh thanh niên là người sống có lí tưởng, có ý thức trách nhiệm và tình yêu đối với công việc:
 + Anh tự nguyện nhận công tác một mình trên đỉnh Yên Sơn vắng vẻ, chung quanh chỉ có cỏ cây và mây núi Sa Pa.
 + Anh phải vượt qua bao gian lao, khó nhọc nhất là phải vượt qua sự cô đơn, vắng vẻ để hoàn thành trách nhiệm của mình.
 - Anh có suy nghĩ thật sâu sắc và đúng đắn về công việc của mình, anh hiểu và thấy được công việc của mình gắn bó và đem lợi lợi ích cho nhiều người
 => Anh thanh niên là một điển hình cho những người lao động thầm lặng, cống hiến hết sức mình cho Tổ quốc.
 - Qua nhân vật nầy, ta hiểu thêm hạnh phúc ở con người là gì. Đó là đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người; đó là được cống hiến, được góp sức mình bảo vệ và xây dựng đất nước.
2/ Mùa xuân nho nhỏ ( Thanh Hải): (4 điểm)
Từ xúc cảm trước mùa xuân của thiên nhiên, đất trời, từ sức sống mạnh mẽ của đất nước, nhà thơ nghĩ về ước nguyện của mình, một ước mơ bình dị mà cao cả: được sống cống hiến (khổ thơ 4, 5).
 Điều tâm niệm nầy được thể hiện một cách chân thành trong những hình ảnh giản dị, tự nhiên mà đẹp. 
Tác giả ước mong:
+ Làm một tiếng chim trong giọng hót của muôn chim.
+ Làm cành hoa trong hương sắc của muôn hoa.
+ Làm một nốt nhạc trầm trong trong bản hòa ca xuân muôn điệu để làm tăng thêm ý nghĩa của cuộc sống.
+ Đặc biệt làm một mùa xuân nho nhỏ, khiêm nhường và nhỏ nhẹ, lặng lẽ, âm thầm cống hiến suốt cuộc đời cho đất nước.
Đại từ “ ta” thay cho đại từ “tôi” ở khổ đầu cho thấy đó là khát vọng của tác giả nhưng cũng là khát vọng chung của mọi người. 
Điệp ngữ “ dù là” khẳng định để tự dặn mình, là sự kiên trì thách thức với thời gian. Đó là sự dâng hiến âm thầm, không mệt mỏi từ lúc trẻ cho đến khi về già.
Bài thơ thể hiện một quan niệm về lẽ sống cao quí: sống đẹp, sống có ích, sống cống hiếncho đời, giữ cho con người và đất nước mãi mãi thanh xuân, một sự dâng hiến đáng trân trọng. 
** Mở rộng, nâng cao vấn đề: (2 điểm)
 - Sống là phải biết dâng hiến cuộc đời thì cuộc sống mới có ý nghĩa.(0,5 điểm)
 - Lẽ sống đẹp, thể hiện ý thức trách nhiệm của con người đối với cuộc đời mình cũng như đối với cộng đồng xã hội. (0,5 điểm)
Liên hệ với lí tưởng sống của lớp trẻ hiện nay: bên cạnh những thanh niên sống với lí tưởng cao đẹp “ Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” còn không ít thanh niên có biểu hiện của lối sống sai lệch: ich kỉ, toan tính cho cá nhân, hay đòi hỏi cho bản thân, không biết cống hiến, không biết hy sinh, thậm chí không có trách nhiệm đối cuộc sống của chính mình, để cuộc đời trôi đi một cách vô nghĩa. (1,0 điểm)
Kết bài: (1 điểm)	
Đánh giá chung hai tác phẩm và liên hệ bản thân.
Mỗi tác phẩm đều có vẻ đẹp riêng nhưng cùng để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người đọc về tình yêu cuộc sống và khát vọng sống cống hiến. (0,5 điểm)
Xác định trách nhiệm bản thân: “ Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. (0,5 điểm)
 BIỂU ĐIỂM
Điểm 10 - 12: Đạt được các yêu cầu trên, nắm vấn đề và giải quyết đúng hướng, đúng trọng tâm. Bố cục chặt chẽ, diễn đạt hay, trôi chảy; có nhiều phát hiện sâu sắc, sáng tạo; biết nâng cao, mở rộng vấn đề.
Điểm 8 -9,5: Đầy đủ các yêu cầu về nội dung, hiểu và có định hướng giải quyết đúng. Bài viết biết phân tích, nhận xét, đánh giá từng tác phẩm; biết tổng hợp, khái quát làm rõ vấn đề tuy nhiên có thể chưa thật toàn diện và sáng tạo. Lời văn trong sáng, mạch lạc. Hạn chế được lỗi diễn đạt.
Điểm 6 – 7,5: HS nắm được các yêu cầu cơ bản, có một số phát hiện nhất định nhưng một số chỗ còn chưa được mạch lạc. Mở rộng, nâng cao vấn đề còn hạn chế. Văn viết khá, không mắc nhiều lỗi chính tả.
Điểm 4 – 5,5: HS có hiểu yêu cầu đề, tuy nhiên bài còn chưa khai thác được các chi tiết, chưa mở rộng nâng cao vấn đề. Văn viết tạm được.
Điểm 2 – 3,5: Bài viết chung chung, phân tích không sâu, chưa khái quát được vấn đề;mắc nhiều lỗi diễn đạt.
HẾT.

Tài liệu đính kèm:

  • docDe_thi_HSG_mon_Ngu_van_nam_20152016.doc